HỌC NGÀNH NHÀ HÀNG – KHÁCH SẠN RA LÀM GÌ?

“- Học nghề nhà hàng- khách sạn ra sẽ làm gì? Có phải học nghề này ra làm bưng bê làm phòng trong nhà hàng khách sạn phải không?
– Học cao đẳng ra chỉ làm việc tay chân, học đại học ra làm sếp đúng hay không?”

Đây là những câu hỏi thường hay gặp khi tư vấn cho các bạn học sinh trong quá trình chọn nghề. Những hiểu biết sai lệch sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của các em. Hãy cũng theo dõi một vài chia sẻ của Thầy Phan Đăng Trường – Phó trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ an với PV dành cho các bạn quan tâm đến ngành Quản trị Khách sạn – Nhà hàng (Hospitality Management) để có cho mình câu trả lời thỏa đáng các em nhé!

Giờ học thực hành Nghiệp vụ Bàn. Ảnh: Phan Đăng Trường

Phóng viên (PV): Ngành Quản trị Nhà hàng khách sạn có tên tiếng Anh là Hospitality Management. Thầy có thể giải thích thêm cho các em học sinh về thuật ngữ này được không ạ?
Thầy Trường: Trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu HOSPITALITY là gì? Ở Việt Nam chúng ta thường chỉ dịch là ngành khách sạn-nhà hàng nhưng thực ra hospitality được hiểu là các ngành dịch vụ trong đó bao gồm các hoạt động chào đón khách, cung cấp các nhu cầu khách cần và đưa tiễn khách hàng ra về trong sự hài lòng. Do đó hospitality bao gồm:
– Khách sạn: từ các chuỗi khách sạn 5 sao sang trọng đến các resort thơ mộng hay các khách sạn, nhà nghỉ bình dân.
– Nhà hàng: từ các chuỗi nhà hàng quốc tế đến nhà hàng địa phương hay các nhà hàng theo chủ đề
– Các spa sức khỏe và thẩm mỹ
– Các trung tâm hội nghị, triển lãm
– Các hãng hàng không
– Các đội du thuyền
– Các casinos
– Các công ty tổ chức sự kiện và cung cấp suất ăn
– Các trung tâm thể thao
– Các câu lạc bộ (golf) hay công viên chủ đề
– Bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, khu lưu trú sinh viên,…

Giờ học Pha chế đồ uống. Ảnh: Phan Đăng Trường

PV: Như vậy những người học ngành Hospitality Management có thể làm việc trong các lĩnh vực cụ thể như thế nào?
Thầy Trường: Từ đây chúng ta thấy cơ hội nghề nghiệp cho ngành Hospitality Management rộng mở với các lĩnh vực như
– Nhà hàng (Food and Beverage Management):
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại những nơi có cung cấp dịch vụ ăn, uống như nhà hàng, khách sạn, công ty cung cấp suất ăn,…Những công việc có thể đảm trách như phục vụ nhà hàng, quản lý nhà hàng, phụ trách nhân sự, dịch vụ khách hàng, kinh doanh, tài chính kế toán, quản lý tồn kho, quản lý chuỗi cung ứng.
– Phụ trách nhân sự (Human Resources:
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận công tác nhân sự như tuyển dụng, đào tạo, tính lương, xây dựng chính sách nhân sự,…cho các khách sạn, nhà hàng, spa, casino…
– Lưu trú (Lodging Management)
Sinh viên học ngành này cũng có thể tìm việc trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú như khách sạn, khu nghĩ dưỡng,…và đảm trách công việc như lễ tân, phục vụ buồng phòng, marketing, chăm sóc khách hàng, quản lý ngân sách, kinh doanh, quản lý cơ sở vật chất,…
– Các sòng bạc (Casino Management)
công việc tại các casino bao gồm kinh doanh, dịch vụ khách hàng, quản lý tài sản, nhân sự, kế toán,…
– Du lịch, lữ hành (Travel and Tourism Management)
có thể tìm việc tại các công ty du lịch, công ty lữ hành, du thuyền với các công việc như bán tour, thiết kế tour, điều hành tour, marketing, kế toán, nhân sự, chăm sóc khách hàng,…

PV: Hiện nay vẫn còn những quan điểm rằng học cao đẳng ra làm nhân viên, học đại học ra làm sếp. Thấy có chia sẻ gì với các em học sinh về cách hiểu này không ạ?
Thầy Trường: Đây là quan điểm về sự thăng tiến trong nghề. Có thể khẳng định rằng quan niệm học cao đẳng làm nhân viên là không chính xác nhất là đối với ngành chúng tôi đang đào tạo. Sau khi học xong cho dù là cao đẳng hay đại học thì người mới ra trường đều bắt đầu công việc ở mức khởi đầu là nhân viên, trợ lý,…Việc áp dụng kiến thức, kỹ năng vào công việc (thể hiện qua hiệu quả công việc) cùng với kinh nghiệm quản lý tích lũy qua thời gian, người lao động sẽ được thăng tiến lên cấp cao hơn như giám sát, quản lý, giám đốc. Những người có năng lực, nghiêm túc, chuyên nghiệp có thể có bước thăng tiến đầu tiên trong vòng 6 tháng.
Thông thường mất 3-5 năm để vươn lên vị trí quản lý cấp trung. Bậc học cao đẳng trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để người học có thể quản lý một phòng ban hay một công ty vì ngoài các môn học về nghiệp vụ như lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, nấu ăn, pha chế, sinh viên còn được trang bị kiến thức về quản trị marketing, quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị dự án, quản trị chiến lược.

Sinh viên lớp Quốc tế tại phòng học Hướng dẫn du lịch. Ảnh: Phan Đăng Trường

PV: Thưa thầy, Sinh viên học tập tại Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ an sẽ trang bị cho các bạn những yếu tố gì trước cơ hội nghề nghiệp của ngành Quản trị Nhà hàng khách sạn?
Thầy Trường: Chúng tôi đào tạo chuyên sâu các nghành học, tập trung vào học thực hành, thực tế, trang bị kiến thức và hướng dẫn sử dụng những công cụ cần thiết trong nghề cho các bạn. Bên cạnh vốn kiến thức đầy đủ, nhà trường còn xây dựng khóa học Foundation Course gồm 9 kỹ năng mềm thiết yếu trong quá trình tương tác làm việc thực tế để giúp sinh viên sẵn sàng hòa nhập công việc mới.
Là Trường nằm trong hệ thống trường trọng điểm Quốc gia Trường chúng tôi được chính phủ Việt Nam và Úc phối hợp mở các lớp Quản trị Nhà hàng và Hướng dẫn du lịch đào tạo theo tiêu chuẩn khắt khe của Úc, 100% giáo viên nước ngoài, sinh viên không mất học phí, KTX, trang bị đồng phục, giã ngoại… Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Quốc tế, sau khi ra trường cơ hội làm việc tại Australia và các tập đoàn lớn rất cao. Bên cạnh đó Trường chúng tôi thường xuyên hợp tác với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, Thái Lan…. đào tạo các ngành nghề theo chuẩn ASEAN sau khi tốt nghiệp các bạn Sinh viên có rất nhiều thuận lợi việc làm tại các nước phát triển có thu nhập cao.
Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng mạng lưới đối tác trong nước, doanh nghiệp uy tín trong ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn như Saigon Tourist, VinGroup, Mường Thanh, SunGroup… Các đối tác với nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao một cách thường xuyên sẵn sàng tiếp nhận các bạn sinh viên đủ điều kiện tới thực tập và trở thành nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.

Lễ bàn giao HSSV cho doanh nghiệp. Ảnh: Phan Đăng Trường

Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các bạn sinh viên về mọi mặt tốt nhất có thể, còn việc sử dụng nó một cách thông minh, hiệu quả và bổ sung các công cụ khác để tiến xa trên con đường sự nghiệp của mình là việc của chính bản thân các bạn phải nổ lực và quyết định.
PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy về những chia sẻ quý báu!

                                                                      PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *