Nằm ở thị xã biển, Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Thương mại Nghệ An có đầy đủ điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể học và thực hành các ngành về du lịch, khách sạn, nhà hàng. Điều đó cũng đã một phần lý giải vì sao sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp thường có tay nghề thực hành tốt và được các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp đánh giá cao.
Gặp lại cựu sinh viên vừa tốt nghiệp khóa 15 khoa Quản trị Du lịch – Quản trị khách sạn Trần Thị Ngọc ở Trung tâm thực hành nhà hàng khách sạn của trường với vị trí trưởng bộ phận bàn, khó tin được đến thời điểm này Ngọc vừa ra trường được một năm. Sự tự tin, chuyên nghiệp thể hiện rõ trong cách Ngọc hướng dẫn các nhân viên phục vụ khách, trong cách dạy các em sinh viên thực tập từng động tác trong quá trình bưng bê hay chỉ là những công việc đơn giản như xếp khăn trải bàn, bày các loại cốc chén hay đặt các loại dao, nĩa… Ngọc cũng là trường hợp “hiếm” bởi ngay sau khi tốt nghiệp đã được giữ lại làm vị trí quản lý. Nhưng với thành tích tốt nghiệp xuất sắc cùng với kinh nghiệm 10 tháng thực tập và làm việc tại Singapore, Thái Lan, Lào, Ngọc đã không phụ lòng tin mọi người và em ngày càng thể hiện khả năng điều hành công việc một cách khoa học. Quá trình làm việc ở nước ngoài cũng giúp em dễ dàng giao tiếng tiếng Anh với khách quốc tế, một điều hạn chế bấy lâu nay của sinh viên trong tỉnh.
Tin Tức Trường
Trường CĐ Nghề Du lịch Thương mại Nghệ An: Đào tạo gắn với thực tiễn
Kể nhiều về thời gian được làm việc với những đồng nghiệp nước ngoài ở Thái Lan, Lào và đặc biệt là ở Singapore… những thiên đường du lịch ở châu Á, Ngọc bảo điều đầu tiên mình học được ở các công ty du lịch quốc tế là phong cách làm việc chuyên nghiệp. Kế đó, là được tiếp cận với những trang, thiết bị hiện đại, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa bản địa và nhất là được rèn khả năng học ngoại ngữ. Và có đi mới thấy, ngoài việc giao tiếp bằng tiếng nước ngoài còn nhiều hạn chế, sinh viên Việt Nam được trang bị tay nghề khá bài bản dễ hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Sự chênh lệch giữa người có kinh nghiệm và người mới học việc không đáng là bao. Riêng Ngọc, em tâm sự: Trước đây, khi chưa học tại trường nhận thức của em về ngành Du lịch còn mù mờ và nghĩ đó là công việc bưng bê đơn giản. Nhưng giờ em mới thấy may mắn vì nhờ được học ngành Quản trị du lịch khách sạn mình mới có cơ hội được mở mang kiến thức, được đi làm việc nước ngoài và có một công việc tốt sau khi ra trường. Hiện với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng cộng với số tiền đã tích cóp được sau gần một năm làm việc ở các khách sạn nước ngoài, Ngọc đã có một số vốn kha khá mà chẳng phải sinh viên đại học nào cũng có cơ hội sở hữu.
Ở Trường Cao đẳng nghề Du lịch – Thương mại Nghệ An, Ngọc chưa phải là trường hợp duy nhất, bởi từ 5 năm trở lại đây thông qua chương trình hợp tác giáo dục giữa trường và một số trường đại học, cao đẳng của Thái Lan, Singapore, Ma cao, Lào và các khách sạn, công ty du lịch nước ngoài, mỗi năm có hàng trăm sinh viên được “xuất ngoại” sang nước ngoài thực tập. Điều kiện cũng không quá khó, bởi chỉ cần là sinh viên từ năm thứ 2 trở lên, có khả năng giao tiếp về ngoại ngữ, có tay nghề vững là có cơ hội được các nhà tuyển dụng nước ngoài sang phỏng vấn. Sau khi trúng tuyển, sinh viên sẽ có từ 4 – 10 tháng vừa thực tập vừa làm việc trong các nhà hàng, khách sạn lớn ở những thành phố du lịch nổi tiếng. Thời gian này, các em cũng sẽ được trả lương như một nhân viên thực thụ với mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Nhiều em học tốt còn có cơ hội để giữ lại làm thêm. Về phía nhà trường, xem việc thực tập là một cơ hội trải nghiệm tốt nhất để học sinh nâng cao tay nghề nên luôn luôn tạo điều kiện để học sinh được kéo dài thời gian làm việc ở nước ngoài. Cơ hội sẽ đến nhiều hơn với những sinh viên các ngành Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn, Chế biến món ăn, Nhà hàng, Du lịch, Lễ tân, Kế toán khi nhân lực cho các ngành nghề này luôn luôn thiếu. Riêng năm nay, dù chỉ mới thời điểm tháng Tư nhưng đã có nhiều đơn hàng từ các công ty của Singapore và Ma cao yêu cầu cung cấp nhân lực. Để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng, một tháng nhà trường tiến hành phỏng vấn một lần, đợt đầu đã có 55 em trúng tuyển vòng 1. Ngoài ra, trường còn thành lập Trung tâm tư vấn việc làm nhằm mục đích tư vấn, giải quyết việc làm hỗ trợ học sinh sinh viên.
Bằng các hình thức như Tư vấn tại chỗ, đi cơ sở và mời các doanh nghiệp đến nói chuyện, những năm qua trung tâm đã giúp hàng nghìn sinh viên cũng như nhiều học sinh ở các địa phương định hướng nghề nghiệp và việc làm của mình. Bên cạnh đó, thông qua các doanh nghiệp mà trường ký hợp đồng liên kết, Trung tâm đã giới thiệu cho nhiều lao động do trường đào tạo đi làm việc ở nước ngoài như: Nấu ăn trên các tàu du lịch của Hàn Quốc thông qua Công ty Inmasco, phục vụ buồng, bàn, bar trong các khách sạn tại Dubai… Trung bình một năm trường đưa trên 200 sinh viên sang nước ngoài vừa thực tập vừa làm việc và đưa gần 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp và người lao động đi xuất khẩu lao động.
Ngoài những cơ hội ở nước ngoài, cơ hội làm việc trong nước cũng luôn rộng mở với sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Du lịch – Thương mại Nghệ An. Cũng ít có trường nào mà sinh viên được các nhà tuyển dụng “chào mời” như ở đây bởi chỉ cần học từ năm thứ 2 trở lên, nhà trường đã tạo điều kiện để các em đi làm việc theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Tuy nhu cầu là rất lớn nhưng hiện tại việc đáp ứng chỉ mới được khoảng 60% và phải chia thành nhiều đợt. Đợt 1 của năm 2014 vừa được tổ chức vào đầu tháng 4 năm 2014: đã có 60 doanh nghiệp và khoảng 500 sinh viên được ký hợp đồng với hình thức vừa học vừa làm. Đánh giá sinh viên của trường, anh Võ Văn Nguyên, Giám đốc doanh nghiệp Nguyên Mehico, đơn vị có gần 10 năm hợp tác với nhà trường trong việc tuyển dụng lao động nói thêm: Cái lo nhất của chúng tôi khi tuyển dụng sinh viên đó là các em chỉ nặng về lý thuyết, yếu thực hành. Nhưng với sinh viên học tại trường cao đẳng du lịch, điều đó là không đáng kể bởi các em được đào tạo bài bản, tay nghề vững. Chỉ cần hướng dẫn thời gian ngắn là đã có thể làm việc thông thạo.
Theo Tiến sỹ Đậu Chính Nghĩa – Phó Hiệu trưởng nhà trường: Giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là một vấn đề mà Ban Giám hiệu nhà trường trăn trở nhất hiện nay. Vì thế, bên cạnh việc trang bị tay nghề vững cho học sinh, hàng năm nhà trường đều làm việc với các doanh nghiệp và tổ chức lễ ký cam kết ba bên giữa doanh nghiệp – lao động – nhà trường. Qua đó, vừa tạo nguồn cung ứng lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp, vừa giúp các em được thực tập ở những địa chỉ có uy tín. Đồng thời là cơ hội để các em tự khẳng định mình và dễ dàng có việc làm sau khi ra trường. Đây còn là cơ hội để nhà trường tìm hiểu nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh việc đào tạo cho những năm tiếp theo, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Một kết quả cũng rất đáng mừng đó là dù được đi thực tập ở nước ngoài hay làm việc trong nước, học sinh do nhà trường đào tạo đều được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao, nhất là tay nghề và ý thức kỷ luật.
Những kết quả đạt được trên còn cho thấy hướng đi mà nhà trường đề ra trong nhiều năm nay đó là “đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo” và “đào tạo gắn với thực tiễn cơ sở” đã đem lại hiệu quả. Đây cũng là động lực để nhà trường đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới, trong đó sẽ chú trọng vào việc đổi mới phương thức quản lý, đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa học lý thuyết với thực hành. Đặc biệt sẽ phối hợp tốt với các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo nhằm huy động các nghệ nhân, chuyên gia, các nhà quản lý tham gia giảng dạy thực hành và gắn giải quyết việc làm sau khi đào tạo cho HSSV.
Mỹ Hà – Baonghean.vn