TƯ VẤN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VUI, BUỒN – CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Kính thưa bạn đọc, khi nói về tư vấn việc làm không ít người sẽ nghĩ: Công việc này thì có gì là khó, mà mọi người nói nhiều thế – Chỉ cần nói dễ nghe một tý, biết một tý về tư vấn là làm được ngay ấy mà – Nhưng xin thưa với các bạn, với 15 năm trong nghề, tôi có thể khẳng định rằng: Công việc này không dễ dàng, không đơn giản một chút nào, nếu không nói là khắc nghiệt và nhạy cảm, đòi hỏi người làm công tác tư vấn phải thấu hiểu công việc, tận tâm với nghề và được cảm thông từ phía gia đình thì mới mong hoàn thành nhiệm vụ.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trường, tiền thân là Trung tâm dịch vụ việc làm Thị xã Cửa lò, là một cán bộ với 15 năm gắn bó với công tác tư vấn việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên, có thể nói rằng chúng tôi đã làm được rất nhiều việc, trong hàng ngàn học sinh đã tốt nghiệp và đang là sinh viên học tại trường, Trung tâm TVVL chúng tôi đã chắp cánh cho họ vào tương lai, khi đưa họ đi thực tập ở nước ngoài tại các nước có nền dịch vụ phát triển hàng đầu thế giới như Nhật bản, Singapore, Macau…Nhưng hôm nay để tản mạn đôi điều về công việc của mình, tôi sẽ không kể về công tác hỗ trợ HSSV mà xin được mạn phép kể hầu bạn đọc một vài mẩu chuyện vui, buồn về công tác tư vấn và giải quyết việc làm.

Vâng thưa các bạn, có ai nghĩ làm cán bộ tư vấn như tôi lại không dám tắt điện thoại bao giờ không nhỉ, xin trả lời là: Điện thoại của tôi không bao giờ được tắt, trừ khi bị hỏng mà thôi – Đọc đến đây chắc nhiều người lại cười tôi rồi đúng không ạ? Ông này chỉ nói phét, điện thoại của ông thì có gì quan trọng đâu mà phải mở liên tục – Xin thưa! đúng như vậy đấy ạ, người lao động thì họ có thể gọi bất cứ lúc nào, hỏi bất cứ điều gì, và gọi ở bất cứ đâu, vì họ tin mình và nghĩ điều gì mình cũng biết mà??? các bạn biết không? đây cũng là niềm hạnh phúc nho nhỏ của những người làm tư vấn đấy. Nửa đêm đang ngủ ngon giấc mà nghe tiếng điện thoại là chuyện bình thường rồi, mặc dù rất khó chịu nhưng bạn không bao giờ được cáu gắt, la mắng, bởi vì giờ này mà có người gọi cho mình thì chắc đến 99% người đó hiện giờ đang ở nửa bên kia bán cầu, tàu đánh cá ngoài đại dương bao la, có thể 10 tháng hay một năm bây giờ mới cập cảng, thuyền viên không nhớ ra bên kia là buổi trưa nhưng bên này Việt nam lại đang nửa đêm mọi người đang chìm trong giấc ngủ…

+ A lô anh Hiền đấy à, anh có khỏe không ạ, tàu em đi lâu rồi hôm nay mới cập cảng, ăn trưa xong em gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của anh…

Trời ơi là trời, cha nội này không nhớ ra bên kia bán cầu giờ này là buổi trưa, còn ở Việt nam giờ này đang nửa đêm trời ạ…Biết làm sao được bây giờ, nghề với nghiệp mà, phải nghe thôi, và tất nhiên là vẫn phải nhắc khéo để lao động nhớ ra bây giờ đang nửa đêm và nói in ít đi mà thôi…

+ Cảm ơn em anh vẫn khỏe, “đang ngủ” nghe tiếng điện thoại nhưng biết em gọi là anh mừng lắm, cố gắng làm việc cho tốt nhé lúc về anh em mình tâm sự nhiều hơn, ở nhà hàng tháng bọn anh vẫn ra trả lương cho gia đình em …

Vậy đó các bạn ạ, làm công việc này nếu không tâm huyết với nghề, không am hiểu công việc và nhất là người thân của bạn không cảm thông thì không bao giờ làm tốt công việc được. Niềm vui trong công việc cũng nhiều mà cái buồn xảy đến cũng không ít, vui khi nhận thấy mình giới thiệu được cho nhiều người có công ăn việc làm, buồn xảy đến khi những lao động mình giới thiệu cố tình vi phạm hợp đồng, vi phạm luật pháp nước đến làm việc, thậm chí có người phải bỏ mạng sống của mình nơi đất khách quê người khi cố tình bỏ trốn ở lại nước ngoài làm việc. Xin kể bạn đọc nghe một trong những câu chuyện buồn như vậy, câu chuyện mang tên số phận của một con người, để khi đọc xong các bạn sẽ có cảm nhận riêng về một góc khuất trong công tác tư vấn và giải quyết việc làm.

Năm 2005 Trung tâm tư vấn chúng tôi giới thiệu cho nhiều lao động đi đánh cá biển Hàn quốc, năm đó là tháng 3, ở Việt nam đã là mùa hè, nhưng ở Hàn quốc thì thời tiết còn rất lạnh, tàu cá Hàn quốc cập cảng để đón thuyền viên nhập tàu, trong đó có thuyền viên Trần Văn H, ở Thị xã Cửa Lò do Trung tâm chúng tôi giới thiệu cùng với 5 thuyền viên của các đơn vị khác, tuy nhiên tàu ra khơi cách bờ biển Hàn quốc hơn 6 hải lý thì bị hỏng máy, và phải neo lại để sửa chữa, lợi dụng đêm tối bốn thuyền viên Việt nam rủ nhau nhảy xuống biển để bơi vào bờ, với ý định ở lại bất hợp pháp trên đất liền Hàn quốc, tuy nhiên do sóng to, biển lạnh và ở cách quá xa bờ nên thuyền viên Trần Văn H đã bị sóng cuốn trôi và mất tích. Khi sự việc được phát hiện thuyền trưởng tàu đã gọi cho cảnh sát biển để truy tìm, nhưng 3 ngày sau mới phát hiện thấy thi thể của anh Trần Văn H, ba người còn lại thì trốn thoát lên bờ.

Vậy đó các bạn ạ, chỉ vì cuộc sống thường ngày vất vả khó khăn mà liều cả thân xác của mình để mong tìm được miền đất hứa, cuối cùng phải bỏ cả mạng sống của mình, còn gì buồn hơn khi phải chứng kiến những việc như trên phải không các bạn? Sự việc không dừng lại ở đó khi gia đình còn khẳng định con của họ không nhảy xuống biển để bơi vào bờ mà do người trên tàu giết rồi vứt xuống biển, mặc dù các lời khai của những thuyền viên còn lại trên tàu đã chứng minh thuyền viên nhảy xuống biển để bơi vào bờ cùng với ba người khác, sự việc chỉ được gia đình chấp nhận khi một trong ba thuyền viên lên bờ bị cảnh sát Hàn quốc bắt sau 10 ngày, trong lúc đang đi tìm việc làm và đã khai nhận toàn bộ sự việc.

Đọc đến đây mong nhiều bạn đọc sẽ cảm thông cho nghề nghiệp của chúng tôi, vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít phải không ạ? và cũng không ít lần liên quan đến pháp lý nữa, đến giờ tôi vẫn nghĩ, nếu như mình không nắm chắc và hiểu biết về công việc tư vấn, giới thiệu cho lao động thì sẽ ra sao, xin kể thêm một câu chuyện để bạn đọc hiểu thêm về điều đó:

Lao động qua Trung tâm chúng tôi giới thiệu khá đa dạng, trong đó có nhiều thuyền viên làm việc trên tàu du lịch Hàn quốc, Singapore, thuyền viên đánh cá xa bờ Hàn quốc, Đài loan, Nhật bản…Tháng 4 năm 2013 theo nguyện vọng của lao động chúng tôi có giới thiệu cho 2 người đi đánh cá xa bờ Đài loan, tuy nhiên khi thuyền viên đã làm việc được bốn tháng, đêm 14 tháng 8 khi tàu đi qua kênh đào Panama để chuyển vùng đánh bắt thì có 4 thuyền viên nhảy lên bờ, bị cảnh sát nước sở tại bắt và trục xuất về nước, trong đó có 2 thuyền viên do chúng tôi giới thiệu là: Lê Đức Ch và Hồ Thanh T cùng ở Quỳnh lưu, Nghệ an. Khi thuyền viên về nước thì có các cơ quan chức năng đến làm việc và các nhà báo gặp gỡ phỏng vấn viết bài, sự việc lúc đó các bạn đều biết, báo chí liên tục đưa tin, nhưng phần lớn thông tin chỉ từ một chiều do thuyền viên cung cấp, tôi còn nhớ, có lẽ để tăng thêm phần hấp dẫn cho bài viết của mình, hai nhà báo của TP và TT đã đến tận nhà riêng của tôi để phỏng vấn về sự việc trên – Hôm nay xin kể lại cho bạn đọc nghe cuộc phỏng vấn của 2 nhà báo trên – Cuộc phỏng vấn mà sau đó không bao giờ được đăng trên bất cứ tờ báo nào, dù là báo giấy hay báo online…

Hôm đó là ngày rằm tháng 7, ngày lễ vu lan báo hiếu, tôi và mọi người trong dòng họ đang làm lễ cúng tổ tiên, 21h30 nghe điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia có người tự giới thiệu là nhà báo V.H của báo TP và V.B của báo TT xin được gặp phỏng vấn để biết rõ thêm về hai trường hợp do Trung tâm chúng tôi giới thiệu đi làm việc nước ngoài nhưng bị bắt về nước, tất nhiên là tôi không thể chối từ khi được nghe đề nghị của hai nhà báo, vì lúc đó sự việc đang vô cùng nóng hổi…

Khi vào nhà cả hai người đưa thẻ nhà báo để cho tôi xem, đặt máy ghi âm ở bàn và vào thẳng vấn đề, với vẻ mặt cực kỳ nghiêm trọng:

+ Chúng tôi vừa ở nhà của hai thuyền viên Ch và T do anh giới thiệu đến đây, họ bảo rằng vừa qua do bị chủ tàu đối xử quá tàn tệ, phải làm việc 18 đến 20 giờ mỗi ngày, các thuyền viên phải ăn uống cực kỳ kham khổ nên phải đi câu để cải thiện thêm bữa ăn – Đó là những lý do không chịu đựng nổi nên các Thuyền viên đã nhảy lên bờ kêu cứu để được về nước. Là một người đưa lao động đi làm việc anh có biết điều đó không? Và ý kiến của anh như thế nào khi các thuyền viên nói như vậy?

Vâng trước khi trả lời hai Nhà báo, tôi xin được khẳng định rằng tôi là con người ở giữa, tôi sẽ không đứng về phía thuyền viên, không đứng về phía chủ sử dụng lao động, mà tôi sẽ trả lời khách quan – Và mong ý kiến của tôi được đưa lên báo, để đúng, sai sẽ có người đọc phân xử:

            Thứ nhất, để trả lời câu hỏi: Lao động bị chủ tàu đối xử quá tàn tệ nên phải bỏ trốn lên bờ để được về nước, tôi thấy rằng trong hàng trăm con tàu đang đánh cá ở ngoài biển khơi không thể tránh khỏi cũng có tàu thế này, thế khác, nhưng tôi có thể khẳng định rằng hầu hết các chủ tàu đều làm đúng hợp đồng đã ký với thuyền viên, còn 4 thuyền viển nhảy xuống cảng Panama để vào bờ tôi khẳng định là để tìm cách ở lại làm việc bất hợp pháp. Tôi được biết Nhà báo đi nhiều, đọc nhiều, vậy cho tôi được hỏi các Nhà báo có thấy lao động nào bị đối xử bất công mà nhảy xuống biển ở các cảng Fiji, Mauritut, Nam phi, Srilanka… không? Mà chỉ thấy thuyền viên nhảy xuống biển ở các cảng Hàn quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Đài loan, Panama, vậy bây giờ chắc các Nhà báo đã lý giải được tại sao lao động lại nhảy xuống biển để bơi vào bờ ở những cảng của các nước này rồi chứ ạ?

            Thứ hai: các Nhà báo được nghe thuyền viên trả lời là hàng ngày phải làm việc từ 18 đến 20 giờ, quá vất vả nên không chịu đựng nổi. Là một người đã từng nhiều năm giới thiệu cho thuyền viên đi làm việc ở các nước Hàn quốc, Đài loan, Nhật bản, nên tôi rất hiểu vấn đề này, vậy tôi xin hỏi các anh – Nếu hai anh là chủ tàu, thuê lao động đi làm việc cho mình, khi đánh cá ngoài khơi gặp được luồng cá lớn, thì các anh có yêu cầu tất cả mọi người phải tận thu cho hết số lượng cá đó không? Vì như các anh cũng biết, có phải lúc nào cũng gặp được luồng cá đâu, và khi thu hoạch hết cá thì mọi người được nghỉ là điều bình thường, chứ không phải ngày nào cũng phải làm việc như vậy – Vấn đề này thì ở đâu cũng thế cả các chủ tàu ở Việt nam có thể khẳng định.

Và để trả lời các Nhà báo về việc thuyền viên ăn uống kham khổ, phải đi câu để cải thiện thêm bữa ăn, tất nhiên ăn uống trên tàu thì không thể như ở trên đất liền được, tôi được biết do đặc thù công việc là đánh cá nên tàu phải thường xuyên ở ngoài biển, chỉ khi nào đầy cá mới cập cảng để bốc hàng xuống và nhận thức ăn, xăng dầu cho chuyến sau, vì vậy mà thức ăn từng chuyến có thể lúc nhiều lúc ít tùy thuộc vào kết quả chuyến đánh bắt của tàu, còn thuyền viên trả lời là đi câu cá để cải thiện thêm bữa ăn thì làm việc 18 đến 20 giờ mỗi ngày vậy thời gian đâu để đi câu cá, hoặc nếu có thời gian đi câu cá thì chắc chắn rằng không thể hàng ngày phải làm việc 18 đến 20 giờ được – Các Nhà báo có thấy như vậy không?

Đến đây tôi có thể khẳng định với các Nhà báo rằng, những lao động các anh đã được gặp, những thuyền viên đã nhảy xuống cảng Panama là để tìm cách ở lại tìm kiếm việc làm tại đất nước này, tuy nhiên ý định chưa thực hiện được thì bị cảnh sát nước sở tại bắt và trục xuất về nước, còn tại sao lao động lại khai như vậy? đó là điều dễ hiểu thôi, biết nói như thế nào khác nữa, phải không các bạn? Và xin mách nhỏ với các bạn rằng sau hôm bị trục xuất về nước 3 tháng anh Lê Đức Ch có đến gặp tôi và thú nhận tất cả sự việc đúng như tôi kể với các bạn ở trên, thuyền viên này xin được giúp đỡ đi lại và hiện nay đang làm việc trên tàu cá TONG YONG 808 của Hàn quốc, với chức danh thợ máy, mức lương 800 USD/tháng.

Vậy đó các bạn ạ, tư vấn việc làm cũng lắm nỗi gian truân, không am hiểu công việc, không tận tâm với nghề thì không thể làm tốt công việc theo đúng nghĩa được, vui nhiều buồn có nhưng mỗi cán bộ tư vấn chúng tôi hàng ngày vẫn mong muốn rằng nơi đây: Trung tâm tư vấn việc làm & Hỗ trợ HSSV sẽ là nơi chắp cánh sự nghiệp cho nhiều lượt người tìm kiếm việc làm, giải quyết khó khăn tăng thu nhập cho nhiều gia đình lao động – Đó là niềm vui của các bạn và cũng là của chúng tôi.

Đến đây chắc người đọc cũng đã thấy chán kiểu hành văn lan man của tôi rồi đúng không a? biết vậy nhưng đầu xuân xin được tản mạn đôi điều vui buồn về tư vấn, mong bạn đọc sẽ thứ tha nếu như một vài câu chuyện của tôi không hợp với suy nghĩ của thời đại @ và online các bạn nhé.

                               Nguyễn Ngọc Hiền – Giám đốc Trung tâm TVVL & Hỗ trợ HSSV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *